Những thắc mắc của tài xế Việt trên đường cao tốc

21/04/2019
Tin tức

Vạch kẻ ngang đường, nhiều khúc đường cong hay không có đèn chiếu sáng là những thắc mắc của tài xế lần đầu cầm lái trên cao tốc.

Mục Câu hỏi tư vấn của Xe/VnExpress thường xuyên nhận được những thắc mắc của các tài xế về thiết kế đường cao tốc. Những câu hỏi này thu hút hàng chục nghìn lượt xem cùng gần trăm lượt bình luận. Dưới đây là những câu hỏi phổ biến.

Vạch kẻ giống như dành cho người đi bộ qua đường?

Vạch báo khoảng cách trên cao tốc

 

Trên nhiều tuyến đường cao tốc, để người lái xe dễ dàng nhận ra và giữ đúng khoảng cách an toàn, đơn vị quản lý cầu đường thường vẽ vạch kẻ ngang đường giống với vạch dành cho người đi bộ trên đường đô thị, kèm theo bảng thông tin khoảng cách cắm bên phải. Cách vạch này cách nhau 50 m, thường kẻ thành 3 đường tương ứng với các vị trí 0 m - 50 m và 100 m, có nơi thêm cả 200 m, 400 m, để tài xế dễ quan sát và giữ đúng khoảng cách an toàn đối với xe phía trước. 

Theo điều 12 tại Thông tư 91/2015 của Bộ Giao thông vận tải, quy định tốc độ và khoảng cách an toàn đối với xe cơ giới và xe chuyên dùng khi tham gia giao thông, với tốc độ lưu hành 120 km/h với điều kiện mặt đường khô ráo, khoảng cách an toàn giữa hai xe là 100 m.

Ngoài ra, theo điều 5 nghị định 46/2016 quy định mức xử phạt đối với hành vi không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn trên đường cao tốc; mức tiền phạt từ 800.000 - 1,2 triệu đồng; tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 1-3 tháng.

Vì sao cao tốc không làm thẳng?

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. 

 

Theo tiêu chuẩn Việt Nam về đường cao tốc, không nên thiết kế các đoạn tuyến thẳng dài quá 4 km; nên thay các đoạn thẳng quá dài bằng các đường vòng có góc chuyển hướng nhỏ với bán kính lớn ( từ 5.000 mét đến 15.000 mét) để chống đơn điệu và lóa mắt do pha đèn về ban đêm. Vì vậy trên các tuyến cao tốc hiện nay, đơn vị thiết kế cầu đường thường bố trí những đoạn đường cong giúp tài xế lái xe an toàn hơn. Nếu đường thẳng quá dài, tài xế dễ mất tập trung, buồn ngủ.

Vì sao cao tốc không có đèn chiếu sáng?

Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

 

Với tốc độ di chuyển cao, theo nhiều nghiên cứu, việc sử dụng đèn chiếu sáng liên tục sẽ gây tác dụng ngược như lóa mắt tài xế, thiếu tập trung. Vì vậy, đường cao tốc không sử dụng đèn chiếu sáng, chỉ xuất hiện ở một số đoạn quan trọng như quy định sau:

Theo tiêu chuẩn xây dựng trên, việc bố trí chiều sáng trên đường ôtô cao tốc phải thực hiện ở các khu vực: trạm thu phí đường, trong hầm, trong phạm vi các chỗ giao nhau liên thông trên đường cao tốc,  ở các đoạn ra khỏi đường cao tốc gặp một đoạn đường có chiếu sáng được nối với đường cao tốc, hoặc đoạn qua sát một vùng có chiếu sáng ( như khu công nghiệp, sân bay...), ở các trạm phục vụ kỹ thuật; ở các biển báo chỉ dẫn quan trọng... Ngoài những vị trí trên, đơn vị quản lý cầu đường thường không bố trí đèn chiếu sáng.

Nguồn: vnexpress.net

Chia sẻ

Bài viết liên quan

Facebook Chat